Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

21 Ngày Cho Sức Khỏe Tuyệt Vời

Người ta vẫn thường nói,  "Làm IVF tổn thọ của mẹ."

Điều đó có đúng không? Một phần, tùy theo cách các mẹ thấu hiểu và nhìn nhận thách thức Hiếm Muộn này như thế nào.

Một lời giải thích khoa học và thơ ca hơn sẽ là:

"Khi làm IVF, người mẹ đã sẵn sàng mang những năm tháng cuộc đời của mình trao tặng cho con trong một thời gian siêu ngắn, 2 tuần."

Hiểu một cách nôm na là chúng ta đã "tăng tốc nhân tạo" cho các kỳ kinh nguyệt.

Và cái giá trả cho việc ấy không chỉ tính bằng chi phí làm TTON.

  Tranh biếm họa: Tại cửa hàng tiện lợi IVF.
  "Chục trứng... tổng cộng hết $240,000."

Mỗi một kỳ kinh, chỉ có một quả trứng chín và rụng. Nhưng làm IVF, số trứng được kích lên để chọc hút có khi lên tới 20 hay hơn.

Vậy là khoảng từ 7, 8, 10 đến hơn 20 kỳ kinh nguyệt tự nhiên của mẹ đã được cho vào máy thời gian, ép lại thành một món quà trao tặng cho "em bé trong mơ."

Điều gian khổ nhất là không phải món quà nào cũng biến thành em bé kỳ diệu mà ba mẹ mong ước.

Vì thế mẹ lại có thể sẵn sàng hy sinh thêm nhiều năm tháng khác của đời mình, làm lần thứ 2, thứ 3, thứ 10, thậm chí lần thứ... 44 sau 12 năm (như bà mẹ Trudie Thompson ở Anh, đồng tác giả cuốn Dream Do Come True), cho đến khi khát khao trở thành hiện thực.



Sách: Mong Ước Có Thể Thành Hiện Thực (2011)
Hành trình 12 năm, 44 lần làm IVF với tổng số 132 phôi 
chuyển vào tử cung của Trudie và Lloyd Thompson. 
Họ đã thành công với bé trai Jaja vào năm 1999.


Vậy đó. Không chỉ các em bé IVF mới là đặc biệt. Tất cả chúng ta, những bà mẹ IVF cũng là những bà mẹ vô cùng đặc biệt. 

Chính chúng ta cũng sẽ cần được bảo vệ và được hướng dẫn cách bảo vệ sức khỏe và lối sống của chính mình kỹ lưỡng hơn, cẩn thận hơn những bà mẹ khác.

Bởi vậy, các mẹ hãy cùng mình tận dụng thời gian chuẩn bị cho IVF để tăng cường sức khỏe, bù đắp lại những năm tháng chúng ta hy sinh cho "em bé IVF" nhé.

Nếu như đã tin vào sự kỳ diệu mà chúng ta có thể tạo ra, cũng hãy tin vào sự kỳ diệu của những năm tháng cuộc đời bù đắp lại mà chúng ta có thể bền bỉ và đấu tranh để đem lại cho chính mình.

Cùng đăng ký MIỄN PHÍ để nghe những lời khuyên về sức khỏe của Oprah & Deepak Chopra:

21 Days for Perfect Health
21 Ngày cho Sức Khỏe Tuyệt Vời
Vừa bắt đầu hôm qua ngày 11/3,
một chuỗi 21 các bài thiền để nâng cao sức khỏe cho cộng đồng bằng tiếng Anh. 
Nếu mẹ không biết tiếng Anh, hãy cứ bắt đầu nỗ lực gìn giữ tinh thần và cơ thể cho chính mình
bằng những âm điệu thiền sâu lắng.


Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Hồ Sơ IVF Cho Con


Thân gửi các mẹ Việt Nam ở 10 nước trên thế giới:

Mình rất xúc động khi biết rằng những thông tin và trải nghiệm Hiếm Muộn của mình, sau hơn một tháng sẻ chia, đã có chút ít giá trị với các độc giả không chỉ ở Việt Nam, Thái Lan, mà còn ở cả Úc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức, Áo, Nga, Ukraina, và Cộng hòa Séc.

Có một điều làm mình rất trăn trở khi lặn lội đi tìm con từ Việt Nam ra đến nước ngoài:

Qua quan sát và trao đổi, mình thấy có nhiều mẹ chưa có ý thức giữ gìn cẩn thận các tài liệu điều trị của mình.

Bộ hồ sơ điều trị IVF không chỉ quan trọng với riêng mẹ. Nếu như thần may mắn mỉm cười, mẹ sẽ có một em bé như vẫn hằng mong ước. Nhưng hành trình thật sự cho những đứa con đặc biệt này mới chỉ bắt đầu.

Các bé vô cùng đặc biệt vì sẽ là một trong số gần 5 triệu công dân (chưa đầy 0,1% ít ỏi trong số gần 7 tỷ người) trên toàn thế giới này được "xuất xưởng từ trước khi là trứng nước" cùng với sự can thiệp của đội ngũ bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên kể tử khi em bé đầu tiên ra đời nhờ IVF năm 1978.
                      Louis Brown, em bé đầu tiên sinh ra nhờ kỹ thuật IVF tại Anh, tháng 7-1978

Các bé được sinh ra từ kỹ thuật IVF, đầy nhân văn nhưng cũng còn đầy bí ẩn, còn đầy những câu hỏi cho giới khoa học khám phá.


                               Louis Brown cùng ba mẹ John & Lesley Brown, năm 1978

Bé trông sẽ chẳng khác gì những em bé sinh ra theo cách tự nhiên.Nhưng trong thâm tâm, từ trước khi ký bản cam kết với bệnh viện trong đó có nêu rõ tỷ lệ đau ốm, dù rất nhỏ, của các em bé "ống nghiệm", ta đều biết rằng: Bé sẽ cần được bảo vệ và được hướng dẫn cách bảo vệ sức khỏe và lối sống của chính mình kỹ lưỡng hơn, cẩn thận hơn những em bé khác.

Bởi vậy, chuẩn bị một hành trang thật đầy đủ cho bé, bao gồm cả một bộ hồ sơ IVF chi tiết từ khi bé còn chưa là một tế bào mà chỉ là một chấm nhỏ ước mơ trong tờ siêu âm tử cung của mẹ sẽ không chỉ là tình yêu mà còn là nghĩa vụ. Bộ hồ sơ này, cũng như cuống rốn trong ngân hàng tế bào gốc của con, sẽ theo bước con đi, đảm bảo và chở che, theo từng tuổi mới .
                                   
                                           Louis Brown khi lớn cùng ba mẹ, khoảng 2007

Vì thế, vì bé và vì cả các thế hệ tương lai khi mẹ lên chức bà (như mẹ của Louis Brown) nữa,  hãy thu thập cẩn thận tất cả các giấy tờ liên quan đến quá trình điều trị IVF của mình, các mẹ nhé!

                                      
                                 Louis Brown cùng con trai Cameron (sinh tự nhiên năm 2006)

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

8.3 Cười Cái Coi - Vợ Là Cat-xet Vợ Là Tivi!


Thơ sưu tầm và thêm minh họa, tặng chị em chúng mình nhân ngày 8.3!

VỢ LÀ...

Vợ là quả ớt chín cây
Đỏ tươi ngoài vỏ rất cay trong lòng
Vợ là một đoá hoa hồng
Vợ là “sư tử Hà Đông” trong nhà.

Vợ là nắng gắt mưa sa
Vợ là giông tố phong ba bão bùng
Nhiều người nhờ Vợ lên Ông
Nhiều người vì Vợ mất không cơ đồ

Vợ là cả những vần thơ
Vợ là cả những giấc mơ vơi đầy
Vợ là một chất men say
Là nước hoa ngoại làm ngây ngất lòng

Vợ là một áng mây hồng
Vợ là hoa hậu để chồng mê say
Vợ là khối óc bàn tay
Vợ là bác sĩ tháng ngày chăm ta

Vợ là nụ Vợ là hoa
Vợ là chồi biếc Vợ là mùa xuân

Vợ là tín dụng nhân dân
Vợ là kế toán giải ngân trong nhà

Vợ là biển rộng bao la
Vợ là hương lúa đậm đà tình quê
Vợ là gió mát trưa hè
Vợ là hơi ấm thổi về đêm đông

Vợ là chỗ dựa cho chồng
Nhiều ông dám bảo vợ không là gì!?
Khoan khoan hãy nghĩ lại đi
Vợ quan trọng lắm không gì hơn đâu.

Việc nhà vợ có công đầu
Nấu cơm, nấu nước, rửa rau, pha trà
                                 
Vợ là máy giặt trong nhà
Vợ là Cát-sét Vợ là Tivi.


Nhiều đêm Vợ hát Chồng nghe
Lời ru xưa lại vọng về trong ta.
Vợ là làn điệu dân ca.
Vợ là bà chủ, vợ là nhân viên

Vợ là cái máy đếm tiền
Vợ là “Nội lực” làm nên cơ đồ
Vợ là thủ quỹ thủ kho
Vợ là hạnh phúc ấm no trong nhà.

Vợ là vũ trụ bao la
Nhiều điều bí ẩn mà ta chưa tường
Khi nào giận, lúc nào thương.
Sớm mưa, chiều nắng ai lường được đâu.

Vợ là một khúc sông sâu
Vợ như là cả một bầu trời xanh
Vợ là khúc nhạc tâm tình
Vợ là cây trúc bên đình làm duyên

Vợ là cô Tấm thảo hiền.
Vợ là cô Cám hám tiền ham chơi.
Vợ là con Phật, cháu Trời,
Rẽ mây rơi xuống làm người trần gian

Vợ là…

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Quy Trình IVF Tối Ưu


Mình đã nhiều lần tham khảo sách báo và các trang mạng để có được một quy trình tổng thể trước khi làm IVF. Kiến thức mênh mông và chia sẻ vô vàn khiến nhiều khi mình thấy rối tung như canh hẹ. Đến ngay cả vài lần làm IVF tại Việt Nam lẫn nước ngoài cũng không khiến mình tỉnh táo hơn.

Ước mơ có ai đó, có cuốn sách nào đó cho mình sẵn một "công thức thành công" luôn thường trực trong Hổ Chiên Xù.


Nhưng từ khi viết lại blog, nhờ có sự động viên, hỏi han, chất vấn của các mẹ (qua blog lẫn wtt), mình đã tích lũy thêm được nhiều "bí kíp" và chịu khó tìm tòi, tổng kết lại các câu chuyện điều trị.

Can đảm hơn một chút, mình đã tự lôi ra tất cả các tập hồ sơ lưu trữ trong hành trình của chính mình để xem lại. Chúng vốn được cất giữ ở một góc kín đáo với niềm tin "mắt không thấy thì tim không đau".

Và kết quả là hôm nay, xin vui mừng tự "xuất xưởng" bản thảo đầu tiên cho một
Quy trình giản lược: Chuẩn Bị đến Sau Chuyển Phôi

Quy trình kèm một số hình ảnh minh họa vì tính mình vốn thích đọc truyện nhiều tranh, ít chữ.

Mình hi vọng giúp được các mẹ có thêm kiến thức tổng quát và hình dung được rõ ràng các bước hành động, nhằm chuẩn bị cho tinh thần, thể chất, tài chính thật hiệu quả, bình tĩnh và thong dong đi đón con yêu nơi xa xôi nhé!

Vốn không tin vào việc có thể hồi phục nhanh  trong vòng 1-2 tháng sau khi IVF thất bại, mình xin tuyên bố hôm nay thực sự là:


Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Dự Án Yêu Thương


Trong hành trình tìm con đầy thách thức này, mình đã học thêm được hai kỹ năng tuyệt vời:

Một là NHẬN, hai là CHO.

Hẳn là cũng giống như nhiều mẹ mong con khác, mình đã nhiều lần nghĩ đến việc NHẬN con nuôi. Nhưng bản thân tự vấn nhiều lần, mình vẫn muốn tự cố gắng. Hơn nữa, mình thấy chưa đủ yêu thương và trách nhiệm để CHO đi.

Nhận nuôi một em bé là phải sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm trước cả những người vắng mặt. Dù họ là ai và đã có những quyết định thế nào, thì "tinh cha huyết mẹ" vẫn hiện diện trong hình hài  mà mình cần rộng lòng đón nhận ấy.




Nhưng những lời khuyên nhủ, những trải nghiệm, lòng tốt, sự nhẫn nại và yêu thương của cộng đồng mạng và cộng đồng bạn bè trong chuyến đi đã kéo dài gần 10 năm qua đã thôi thúc mình phải chia sẻ.

Chắc hẳn nhiều mẹ cũng có suy nghĩ ấy giống mình. Vì vậy nếu có điều kiện, chúng mình hãy cùng tham gia dự án tuyệt vời bên WTT do Mẹ Uyên My và HaiMinh kêu gọi nhé.

E-Book Dành Cho Bà Mẹ Mang Thai

Phần "Hiếm Muộn" của hội mình chắc chắn sẽ giúp những bà mẹ trẻ (trong đó có các em 9x mà lẽ ra đã có thể là con của tụi mình!) có những góc nhìn thiết thực hơn về sức khỏe sinh sản và góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho hành trình tìm con, phải không các mẹ?