Mang Thai Hộ

"Mang thai hộ" (MTH) là việc sớm muộn gì các cặp vợ chồng mòn mỏi tìm con cũng sẽ nghĩ đến.

Các anh chị nung nấu hai câu hỏi:

CÂU HỎI 1) Luật nhà mình trước cấm, nay nghe nói đã cho phép, cụ thể muốn làm thì làm thế nào?

Tham khảo tin tức mới cập nhật tháng 6.2014:

2014: Bài trên báo VnExpress về Luật Hôn Nhân Gia Đình cho phép MTH từ 1.1.2015 tại Việt Nam:

Thứ sáu, 20/6/2014 | 10:19 GMT+7

Được phép mang thai hộ từ 2015


Từ năm 2015, Việt Nam chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Chiều 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi được thông qua với tỷ lệ tán thành gần 60%, dù trước đó nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về những hậu quả khó lường nếu cho phép mang thai hộ.

Cụ thể, Luật quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản có công chứng và không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như:
+ Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
+ Vợ chồng đang không có con chung;
+ Vợ chồng đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Tương tự điều kiện với người được nhờ mang thai:
+ Phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng;
+ Từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
+ Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.
+ Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

Người mang thai hộ
+ Phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường và những dị tật của bào thai.
Đồng thời vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Người nhờ mang thai
+ Phải có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường…

CÂU HỎI 2) Nhờ được người thì quá trình ra sao, chi phí bao nhiêu?

Thực tế đây là một quá trình vô cùng phức tạp liên quan đến rất nhiều người và nhiều vấn đề. Vì tính chất nhạy cảm và riêng tư nên MTH cũng sẽ ít khi được đề cập cụ thể, chi tiết, công khai trên website hay các tài liệu của bệnh viện/phòng khám .

Tình hình cập nhật tới thời điểm tháng 6.2014 như sau:

2.1 Mang thai hộ vòng quanh thế giới 

Thực tế là tại Việt Nam, luật hiện vẫn cấm "Mang thai hộ có tính chất thương mại" nghĩa là cấm người mang thai hộ thực hiện việc này như một dịch vụ được trả tiền. Từ 1.1.2015, luật sửa đổi, cho phép "Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo".
 
Hầu hết các quốc gia, trong đó có cả Singapore, đều cấm việc này. Chỉ một số ít quốc gia cho phép hoặc không cấm, trong đó Mỹ, Ấn Độ và Thái Lan là những nơi có nền y tế đều khá phát triển.

Đặc biệt Thái Lan có mục tiêu quốc gia trở thành "Health Hub of Asia" và văn hóa phục vụ tuyệt vời, kết hợp cùng sự dịu dàng Á Đông và công nghệ hiện đại phương Tây.  Vì thế đây đang là nơi nhiều cặp vợ chồng Mỹ lẫn Ấn Độ cũng tìm tới để nhờ người mang thai hộ hoặc đưa người thân sang để nhờ chuyển phôi.


2 Chi phí

Ở Việt Nam:
Kể cả khi anh chị tìm được người mang thai hộ với ý nghĩa giúp đỡ nhân văn, làm phúc thì tối thiểu anh chị cũng sẽ tự nguyện trả toàn bộ chi phí điều trị, thăm khám thông thường của quy trình làm TTON. Số tiền này ước tính ít nhất từ 40 đến 100 triệu đồng.

Một số bác sĩ cũng khá nghiêm ngặt trong việc điều trị và sẽ từ chối nhận các ca MTH.

Ở Mỹ: Cuối 2012, trên các phương tiện truyền thông có đưa tin ca sĩ người Anh Elton John (cùng bạn đời cũng là một người đàn ông) đã bỏ ra khoảng 600 triệu đồng (khoảng $30,000) để nhờ người mang thai hộ em bé thứ hai tại một bệnh viện ở Los Angeles. Có thể đây chỉ là số tiền sinh hoạt phí tặng cho người mẹ. Con số thật có lẽ nên đem nhân với 2 hoặc 3. Tìm hiểu thêm với các từ khóa "surrogate mother cost".

Ở Ấn Độ: Có lẽ chi phí ở Ấn Độ là rẻ nhất, phí trả cho mẹ vào khoảng $12,000-$15,000 (theo các thông tin trên báo nước ngoài). Nhiều cặp vợ chồng Mỹ qua đây. Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là điểm đến yêu thích của các cặp vợ chồng châu Á hay châu Úc, đặc biệt là sau những bất ổn về bạo lực với phụ nữ trong nửa cuối 2012 cho đến nay.

Ở Thái Lan: Thực tế là chi phí các anh chị phải bỏ ra từ khoảng $50,000 đến $60,000 sẽ có một phần tương đối trả cho bên công ty điều phối mối quan hệ rất phức tạp và tinh tế của 3 bên: vợ chồng người cần dịch vụ, bệnh viện/bác sĩ và người mang thai hộ.

(Hình minh họa bằng tiếng Nhật cho các đôi vợ chồng nhờ MTH. Thái Lan là điểm đến ưa thích của rất nhiều người dân châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ.)



Các công ty điều phối này hoạt động khá chuyên nghiệp và hiệu quả. Họ thường lựa chọn gắt gao một số chị từ các phụ nữ đã lập gia đình, khỏe mạnh, độ tuổi dưới 30, đã có con và phải có được sự đồng ý của chồng.

Việc có một bên thứ 4 đứng ra ký hợp đồng, là cầu nối đại diện cho quyền lợi của cả người cần dịch vụ lẫn người làm dịch vụ rõ ràng sẽ giảm thiểu các rủi ro và không đặt gánh nặng tinh thần lên vai vợ chồng cần MTH hay bác sĩ.

Tuy nhiên, Thái Lan cũng đang rà soát lại luật về việc này do đã và đang có nhiều vụ việc nhạy cảm liên quan đến mang thai hộ, nên không phải bác sĩ và phòng khám nào cũng sẵn sàng giúp cho việc MTH.


Tham khảo thêm
WebTreTho - Mang Thai Hộ


2012: Bài trên báo Pháp Luật & Xã Hội về tình hình MTH tại Việt Nam:
PHÁP LUẬT

Thứ Tư, 01/08/2012 09:17

Cần cho phép mang thai hộ, nhưng cấm “giúp đỡ trực tiếp”

(PL&XH) -Việc mang thai hộ trong những trường hợp này chắc chắn nhận được sự cảm thông của xã hội. Nhưng còn về pháp luật, có nên cho phép mang thai hộ hay không, và cho phép với những đối tượng nào?

Thực tế


Mang thai hộ, đẻ thuê là những cụm từ không còn xa lạ trong thời gian gần đây. Và trên thực tế, không ít cặp vợ chồng đã "thuê đẻ" thành công, nhận con về nuôi, thanh toán "sòng phẳng, dứt điểm" với người mang thai. Với tình trạng vô sinh ngày càng nhiều như hiện nay, nhu cầu về mang thai hộ, thuê đẻ là có thật và dù luật cấm tuyệt đối, nó vẫn ngầm "tồn tại và phát triển" trên thực tế và không khó để tìm được "nguồn".

Luật HN&GĐ hiện hành không có quy định cụ thể về vấn đề mang thai hộ. Nghị định số 12 về sinh con theo phương pháp khoa học đã cấm mang thai hộ, nhưng lại chưa quy định hậu quả pháp lý như: xác định cha, mẹ của đứa trẻ được sinh ra, các quyền nhân thân và tài sản của đứa trẻ với những người có liên quan (người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ). Dẫn đến trên thực tế đã có không ít tranh chấp "dở khóc dở cười" vì thiếu luật điều chỉnh. Bởi vậy, vấn đề này là thực tế bức xúc cần được Luật HN&GĐ "quan tâm" khi sửa đổi, bổ sung.

Khi không may bị vô sinh, hoặc đã có con rồi bị vô sinh thứ phát, không thể sinh con được nữa, nhiều cặp vợ chồng vẫn tìm mọi cách để có thể có con. Và không ít trong số họ tìm đến giải pháp nhờ người thân, chị em ruột mang thai hộ hoặc thuê đẻ. Việc này rất "xa lạ" với phong tục tập quán của người Việt là con ruột phải do người mẹ mang nặng đẻ đau sinh ra. "Mang nặng, đẻ đau" vốn vẫn được trân trọng từ xưa đến nay và về tâm sinh lý thì trong chín tháng mang thai, người mẹ (dù mang thai hộ) vẫn có sợi dây tình cảm với đứa trẻ mình "dứt ruột sinh ra". Bởi vậy, nhiều người cho rằng, mang thai hộ, đẻ thuê rồi "trả con" là không phù hợp, cả về khía cạnh đạo đức lẫn pháp luật. Thế nhưng, thực tế vẫn tồn tại những hoàn cảnh thương tâm và họ cũng mong có con cái như mọi người khác.

Với những trường hợp người vợ không thể mang thai nhưng hai vợ chồng đều có khả năng có con, mà thông qua con đường thụ tinh ống nghiệm, vợ chồng họ lấy trứng và tinh trùng để nuôi phôi thai rồi cấy phôi để chị, em gái hoặc người thân tình nguyện mang thai hộ nhau, thì cần được nhìn nhận một cách toàn diện và nhân văn. Bởi trong quan hệ mang thai hộ này không tồn tại yếu tố "tiêu cực" nào, người chồng không có quan hệ tình dục trực tiếp với người mang thai hộ, và đứa trẻ được hình thành từ trứng của người vợ, tinh trùng của người chồng nên dù không phải do người vợ mang thai thì vẫn là "máu mủ" của họ.

Cẩn trọng không để việc mang thai hộ và đẻ thuê bị thương mại hóa.        Ảnh: TL

Cho phép mang thai hộ nhưng cấm đẻ thuê!

Việc mang thai hộ trong những trường hợp này chắc chắn nhận được sự cảm thông của xã hội. Nhưng còn về pháp luật, có nên cho phép mang thai hộ hay không, và cho phép với những đối tượng nào? Nhiều người e ngại nếu luật "mở cửa" cho phép mang thai hộ thì rất dễ trở thành hiện tượng tiêu cực, thương mại hóa việc mang thai vốn là một điều thiêng liêng của tình mẫu tử. Sẽ có nhiều chị em vin lý do "giữ dáng" hay ngại vất vả mà từ chối mang thai, rồi tạo điều kiện cho "dịch vụ", "nghề" đẻ thuê ra đời, gây nên nhiều hệ lụy xã hội, nhất là việc mang thai hộ do người vợ không có khả năng có con và lấy tinh trùng theo cách "trực tiếp".

Điều này không chỉ khiến một gia đình có nguy cơ tan vỡ mà còn ảnh hưởng đến giống nòi bởi một người phụ nữ có thể "đẻ hộ" và cho trứng, bán trứng theo cách quan hệ trực tiếp để sinh ra nhiều đứa trẻ, rồi những đứa trẻ này không biết chúng là anh chị em cùng mẹ mà lấy nhau… Vì vậy, nếu "mang thai hộ" trở thành một loại "dịch vụ", thì những lo ngại trên rõ ràng có cơ sở và cấm mang thai hộ là cần thiết. Tuy nhiên, mang thai hộ cho những trường hợp hiếm muộn, không có yếu tố thương mại thì cần được xem xét hợp lý. Thực tế đã cho thấy, luật cấm thì mang thai hộ vẫn tồn tại, và nhiều hậu quả pháp lý phát sinh không giải quyết được. Vì vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, Luật HN&GĐ sửa đổi cần có những qui định cụ thể theo hướng cho phép mang thai hộ trong những trường hợp đặc biệt và cấm tuyệt đối việc "đẻ thuê".

Trước hết, luật phải quy định việc mang thai hộ chỉ được tiến hành qua phương pháp thụ tinh ống nghiệm, cấm việc "giúp đỡ trực tiếp", và đưa ra các qui định chặt chẽ để đảm bảo cho mang thai hộ là việc làm mang tính nhân văn chứ không phải là một dịch vụ có tính thương mại. Cụ thể như điều kiện để được nhờ người mang thai hộ phải là xác nhận của cơ quan y tế về việc cả hai vợ chồng, hoặc người chồng có khả năng có con nhưng vì lý do sức khỏe, người vợ không thể mang thai được (như người vợ bị cắt bỏ tử cung, suy tim hoặc bệnh thận nặng…). Với trường hợp mình người chồng có khả năng có con, thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người vợ về việc xin trứng từ người phụ nữ khác. Về phía người nhận mang thai hộ phải là người có sức khỏe đảm bảo để nuôi dưỡng thai khỏe mạnh, và nếu họ đã có gia đình, thì phải có sự đồng ý của người chồng.

Giữa bên nhờ mang thai hộ và bên nhận mang thai hộ cũng cần thiết phải có văn bản thỏa thuận như "hợp đồng" (có công chứng) để thống nhất việc mang thai chỉ là "hộ", đứa trẻ sau này là con của cặp vợ chồng hiếm muộn, hai bên nhất định phải "nhận con" và "trả con" sau khi đứa trẻ được sinh ra. Đứa trẻ chỉ có quan hệ tình cảm với người mẹ trực tiếp sinh ra chúng, chứ không có quan hệ pháp lý ràng buộc nào. Trong bản "hợp đồng" này cũng thỏa thuận các chi phí do sinh nở hay các khoản bồi dưỡng cho thời gian chín tháng mang thai.

Đồng thời, khi đứa trẻ được sinh ra, cần có qui định về việc "trả con" cho cha mẹ đẻ, quyền lợi của người mẹ "mang huyết thống" và người mẹ "nuôi thai" với đứa trẻ, cũng như những ràng buộc cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho đứa "con chung" này. Rồi xác định các quyền thừa kế, nuôi dưỡng… với trẻ. Cụ thể, phải xác định rõ đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này là "con đẻ" của người có huyết thống với trẻ qua giám định ADN.

Bên cạnh những qui định cho những đứa trẻ sẽ được công nhận từ mang thai hộ, Luật HN&GĐ còn phải đưa ra các qui định để giải quyết những tồn tại trên thực tế hiện nay như các cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ từ trứng và tinh trùng của mình có thể khai sinh cho trẻ là con đẻ không. Hiện, nhiều trường hợp vì lý do nào đó người mang thai hộ không thể có con được nữa và muốn giữ lại đứa trẻ mà mình "đẻ hộ" thì giải quyết thế nào, công nhận mẹ đẻ của trẻ theo huyết thống căn cứ vào kết quả giám định AND hay là người thực tế sinh ra trẻ? Hoặc trường hợp  người vợ vô sinh "thuê đẻ trực tiếp" cho chồng thì đứa trẻ sẽ khai sinh ai là mẹ đẻ vì chúng không có quan hệ huyết thống với người thuê đẻ, mà người đẻ thuê lại không muốn nhận con… Hoặc các trường hợp thuê đẻ xong lại không muốn nhận con thì quyền lợi của đứa trẻ được giải quyết thế nào?

Có con là mong muốn chính đáng của mọi cặp vợ chồng và mang thai hộ "thật sự" không ảnh hưởng gì đến đời sống xã hội nếu được quản lý chặt chẽ bằng pháp luật. Vậy, pháp luật nên nhìn nhận như thế nào về hiện tượng xã hội đặc biệt này?


Phương Thảo

Không có nhận xét nào: